HIV được viết tắt từ các chữ cái đầu của cụm từ tiếng Anh “Human Immunodeficiency virus”, là tên gọi tắt của một loại vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Cũng có thể hiểu đơn giản HIV là loại vi-rút làm mất dần sức đề kháng (khả năng chống lại bệnh tật) của con người.
Cấu tạo của virus HIV
- Vỏ của HIV được cấu tạo bởi lớp lipid kép. Chính lớp vỏ kép này giúp cho HIV giữ được sức bền của bề mặt để có thể tồn tại lâu hơn khi nó ở ngoài cơ thể. Nhờ đó HIV có thể tồn tại ngoài môi trường từ vài ngày đến một tuần, nhất là khi nó nằm trong máu dính trong các bơm, kim tiêm đã sử dụng.
- Bề mặt của HIV có rất nhiều gai nhú. Các gai nhú này giúp nó dễ dàng bám và đột nhập rất nhanh vào các tế bào bạch cầu – những tế bào vốn có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật.
- Nhân của HIV gồm 2 chuỗi ARN và có men sao chép ngược. Nhờ có men sao chép ngược nên khi vào trong tế bào HIV có khả năng sao chép 2 chuỗi ARN thành 2 chuỗi AND và gắn vào nhân tế bào và nhân lên thành các vi-rút mới.
- Kích thước của HIV vô cùng nhỏ bé, chỉ vào khoảng từ 80 – 120 nanomet tính trung bình thì cần khoảng 10000 vi-rút HIV xếp liền nhau để ta có một độ dài 1mm). Do vậy, ta chỉ có thể nhìn thấy nó dưới kính hiển vi điện tử phóng đại hàng triệu lần. Nhờ kích thước nhỏ bé này HIV có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết xây xước rất nhỏ và có thể qua cả niêm mạc.
- Khả năng biến đổi của HIV rất lớn nên hiện nay trên thế giới có nhiều chủng HIV khác nhau. Thậm chí trong quá trình điều trị bằng các thuốc kháng vi rút (ARV) hiện nay HIV có thể biến đổi, trở nên kháng thuốc và các vi rút mới kháng thuốc này cũng lây truyền từ người này sang người khác. Đây là khó khăn lớn nhất đối với việc nghiên cứu chế tạo vắc xin chống HIV cũng như thuốc điều trị AIDS.
HIV xâm nhập vào cơ thể
Khi HIV virus xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ xâm nhập vào một loại tế bào bạch cầu có tên là CD4. Ngoài ra, HIV còn có thể xâm nhập vào các tế bào khác như: lympho bào B, đại thực bào, tế bào hình sao, tế bào nguồn, tế bào xơ non,… Khi đó, virus chiếm lấy tế bào, sử dụng tế bào để sản sinh ra hàng trăm nghìn bản sao, đồng thời phá hủy tế bào CD4. Tiếp theo, những bản sao virus HIV này sẽ xâm nhập vào hệ tuần hoàn, tiếp tục gắn vào tế bào CD4 khác, tiếp tục nhân lên.
Vì các tế bào CD4 có vai trò chống lại các tác nhân gây bệnh cho cơ thể nên khi lượng tế bào CD4 bị thiếu hụt thì sẽ làm giảm sức đề kháng khiến họ dễ mắc bệnh. Bên cạnh đó, khi số lượng virus HIV trong máu tăng lên, nguy cơ lây truyền virus từ người bệnh sang người khỏe mạnh cũng tăng theo.
Ở người lớn khỏe mạnh số lượng CD4 dao động từ 500 – 1500 tế bào/mm3 máu. Ở người mắc HIV, nếu CD4 ở mức từ 350 – 500 tế bào/mm3 máu tức là hệ miễn dịch suy giảm nhẹ. Nếu CD4 ≤ 200 tế bào/mm3 máu đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch bị suy giảm nặng, nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cao.
Các rối loạn chính trong đáp ứng miễn dịch ở bệnh nhân HIV/AIDS gồm:
- Giảm số lượng tế bào lympho T toàn phần, đặc biệt là CD4 giảm nặng, tỷ lệ CD4/CD8 giảm.
- Giảm chức năng của các tế bào miễn dịch: giảm khả năng tăng sinh tế bào đối với các chất gây phân bào và kháng nguyên, giảm đáp ứng độc tế bào vì giảm chức năng tế bào CD8 và tế bào Natural Killer.
- Tăng phức hợp miễn dịch, tăng các tự kháng thể và một số protein khác trong huyết thanh.
- Tăng gamma-globulin.
- Giảm đáp ứng kháng thể nguyên phát đối với những kháng nguyên mới tiếp xúc lần đầu.
- Giảm gamma-interferon.
Thời gian trung bình từ khi nhiễm HIV virus tới khi tiến triển thành AIDS là khoảng 10 năm. Một số bệnh nhân có thể tiến triển nhanh đến AIDS chỉ trong vài tháng. Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn đều có liên quan chặt chẽ tới số lượng và chức năng của tế bào CD4.
Để kiểm soát cũng như có phác đồ điều trị phù hợp, khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm HIV, nên nhanh chóng làm xét nghiệm HIV. Hiện nay, bạn có thể đến bệnh viện hoặc Trung tâm y tế để làm xét nghiệm đầu, nếu cảm thấy còn ngại bạn có thể sử dụng Test thử nhanh HIV của vật tư y tế Đức Anh tại nhà. Tuy nhiên, dù đến bệnh viện hay Test thử nhanh HIV tại nhà thì bạn vẫn cần theo dõi và làm xét nghiệm lại để cho kết quả chính xác nhất.